“NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN VỀ TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI” - HỘI THẢO KHOA HỌC GIÁO VIÊN KHOA TÀI CHÍNH CÔNG NĂM 2023
Sáng ngày 22/9/2023, tại hội trường A1 Học viện Tài chính, khoa Tài chính công tổ chức Hội thảo khoa học giáo viên năm 2023 với chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tài chính đất đai”.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo vinh dự có sự hiện diện của GS. TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng; PGS. TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan cùng toàn thể giảng viên khoa Tài chính công.
GS. TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng
Phát biểu khai mạc, NGƯT.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng khoa Tài chính công, chủ trì hội thảo khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước của các quốc gia. Ở Việt Nam, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại những kết quả tích cực, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Tuy vậy, đến nay hệ thống các chính sách, pháp luật về đất đai, đặc biệt là về tài chính đất đai đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng nguồn lực từ đất đai phục vụ thực hiện mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích của các thể nhân, pháp nhân liên quan.
Với 26 bài viết được lựa chọn đăng trong kỷ yếu, ban chủ trì điều hành hội thảo theo 3 phiên, tương ứng với 3 chủ đề hội thảo:
- Xác định và ghi nhận giá đất đai
- Chính sách thu – chi ngân sách nhà nước về đất đai
- Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về tài chính đất đai
NGƯT.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng khoa Tài chính công chủ trì hội thảo
Các bài viết thuộc chủ đề 1 tập trung chủ yếu vào các vấn đề lớn gồm: Định giá đất ở Việt Nam, đấu giá quyền sử dụng đất và chính sách thuế liên quan đến đất đai. Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra đối với tài chính đất đai từ các khía cạnh tiếp cận theo luật đất đai, các chính sách về đất đai. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện nguyên tắc định giá đất và chính sách về đất đai.
TS. Hy Thị Hải Yến đại diện nhóm tác giả trình bày về chủ đề 1
Tại hội thảo, PGS. TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan gợi ý những nội dung liên quan đến quản lý thuế đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Các đại biểu đồng tình và chỉ ra thêm vấn đề giá đất giao dịch theo giá thị trường nhưng người dân chỉ nộp tiền thuế đất được tính theo mức giá tối thiểu, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
TS. Lê Xuân Trường phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng: Định giá đất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý của Nhà nước về đất đai, tuy nhiên, vấn đề định giá đất ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế nhất định cần phải được tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền lợi và cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Tanh Giang phát biểu tại hội thảo
Với nhận định cho rằng: Phương pháp định giá đất theo vùng giá trị đất là một phương pháp có tính khoa học cao, đảm bảo giá trị của từng thửa đất được cập nhật và theo sát với giá thị trường, hội thảo đã nghe TS. Nguyễn Thùy Linh đưa ra gợi ý luận bàn về Phương pháp định giá đất theo vùng giá trị đất.
TS. Nguyễn Thị Thùy Linh phát biểu tại hội thảo
Vấn đề Ghi nhận và xác định giá trị quyền sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập được TS. Lê Văn Liên và TS. Phạm Thu Huyền cho rằng: kế toán giá trị quyền sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải phù hợp theo các quy định hiện hành về quyền sử dụng đất theo pháp luật đất hai, pháp luật tài sản công, gắn với cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công, đồng thời tuân thủ các quy định ghi nhận, tính giá theo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 – Tài sản vô hình.
TS. Phạm Thu Huyền phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường đã nêu ra một số vấn đề đặt ra với định giá đất hiện nay như: giá đất thấp xa so với thị trường ở mọi thời điểm, phương pháp xác định giá đất vẫn còn hạn chế, tính độc lập của các tổ chức định giá đất và năng lực của cán bộ định giá, thông tin về đất đai còn hạn chế gây khó khăn có công tác định giá. Từ đó, PGS cho rằng để hoàn thiện chính sách về giá đất do cơ quan nhà nước xác định cần cân nhắc các giải pháp như: sửa đổi nguyên tắc việc định giá đất, thành lập Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai ở cấp tỉnh, nâng cao vai trò và tính hiệu quả của các tổ chức thẩm định giá trong hoạt động định giá đất của cơ quan nhà nước,…
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường chia sẻ trong hội thảo
Qua các ý kiến tham luận trong chủ đề 1 của đại biểu, hội thảo thống nhất cho rằng xác định và ghi nhận giá trị đất đai còn tồn tại một số hạn chế. Với cương vị quản lý Nhà nước, vấn đề vướng mắc nhất cần giải quyết là khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp, từ đó ràng buộc các bên phải thực thi; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế.
Tại phiên làm việc thứ 2, hội thảo đã nghe TS. Lê Thị Thuý tóm tắt 10 bài viết thuộc chủ đề “Chính sách thu – chi NSNN về đất đai”. Với những cách tiếp cận khác nhau, mỗi bài viết đề cập đến thu NSNN về đất đai, chi NSNN về đất đai và thuế sử dụng đất.
TS. Lê Thị Thúy tóm tắt chủ đề 2: “Chính sách thu – chi NSNN về đất đai”
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Phùng Thanh Loan chỉ ra một số vấn đề trong chính sách thu tiền thuê đất hiện hành như: Giá đất để tính tiền thuê đất theo quy định của Nhà nước thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, cách xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất nêu trong Luật đất đai 2013 chưa được hướng dẫn chi tiết, không có mức giới hạn sự thay đổi của bảng giá đất sau mỗi chu kỳ 5 năm đối với với các doanh nghiệp thuê đất trực tiếp từ Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê hàng năm. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu tiền thuê đất trong tương lai theo hướng hài hòa lợi ích doanh nghiệp và Nhà nước.
TS. Phùng Thanh Loan trình bày tham luận Chính sách thu tiền thuê đất: hài hoà lợi ích doanh nghiệp và nhà nước
Tham luận về Chính sách chi bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người bị thu hồi đất của Việt Nam của TS. Phạm Thị Hoàng Phương đã giúp hội thảo nhận diện rõ một số hạn chế trong chính sách chi bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người bị thu hồi đất. Qua đó, TS. Phương đề xuất kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn luật để hoàn thiện chính sách chi bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người bị thu hồi đất trong thời gian tới.
Tại phiên làm việc thứ 3 “Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về tài chính đất đai”, sau khi nghe ThS. Phạm Thanh Hà tóm tắt 9 bài viết, hội thảo tiếp tục thảo luận và chia sẻ về những chính sách tài chính đất đai, chính sách giá đất của quốc tế và chỉ ra những kinh nghiệm Việt Nam có thể học hỏi để cải thiện tình hình quản lý tài chính đất đai. PGS. TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt đã chia sẻ Kinh nghiệm đánh thuế đất đô thị bỏ trống ở một số quốc gia trên thế giới và chỉ ra những lưu ý nếu Việt Nam triển khai thiết kế chính sách thuế đất đô thị bỏ trống.
PGS.TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt phát biểu trong hội thảo
Sau hơn 3h làm việc liên tục, hội thảo khoa học giáo viên khoa Tài chính công đã khép lại; đồng thời gợi mở các vấn đề nghiên cứu tiếp theo gắn với giảng dạy, chuyên môn nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội trong mỗi đại biểu tham dự hội thảo.
Cùng nhìn lại một số hình ảnh tại hội thảo./.