Thứ bảy, 21/09/2024 - 23:14

HỘI THẢO KHOA HỌC GIÁO VIÊN KHOA TÀI CHÍNH CÔNG 2024 VỚI CHỦ ĐỀ “TÀI CHÍNH CÔNG VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG” THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Sáng ngày 20/9/2024, tại Hội trường D201 Học viện Tài chính, Khoa Tài chính công đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học giáo viên với chủ đề “Tài chính công với phát triển bền vững”.

     Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Buổi hội thảo vinh dự bởi sự có mặt của các quý vị đại biểu, các vị khách quý. Đại diện các khoa ban có sự hiện diện của TS. Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. NGƯT. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng Ban Quản lý khoa học; GS.TS. Chúc Anh Tú - Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng.

Về đại diện phía lãnh đạo khoa Tài chính công, có sự tham dự của NGƯT.GVCC.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng khoa Tài chính công; TS. Hà Thị Đoan Trang – Phó trưởng khoa Tài chính công; TS. Võ Thị Phương Lan - Phó trưởng khoa Tài chính công cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong Khoa Tài chính công.

     TS. Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng trường

Phát biểu khai mạc, NGƯT.GVCC.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng khoa Tài chính công, chủ trì hội thảo khẳng định phát triển bền vững là xu thế tất yếu mang tính phổ biến trên toàn thế giới. Tài chính là huyết mạnh của nền kinh tế, có tác động chi phối đến phát triển bền vững. Ở Việt Nam những năm qua, hệ thống chính sách và pháp luật về tài chính, đặc biệt là về tài chính công không ngừng được hoàn thiện, có tác động tích cực đến phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với những phương thức và mô hình phát triển mới như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tài chính xanh, tài chính toàn diện… Tuy vậy, trước những thay đổi không ngừng của bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, hệ thống chính sách và pháp luật về tài chính, đặc biệt là về tài chính công vẫn còn những bất cập nhất định cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung nhằm phát huy vai trò tích cực của tài chính đối với phát triển bền vững.

     NGƯT.GVCC.TS. Bùi Tiến Hanh – Trưởng khoa Tài chính công chủ trì hội thảo

Hội thảo khoa học giáo viên Khoa Tài chính công với chủ đề “Tài chính công với phát triển bền vững” đã thu hút được 29 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Dưới sự điều hành của Ban chủ trì, hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh chủ đề. Các bài viết đã xác định được các vấn đề trọng tâm liên quan đến chủ đề của hội thảo năm nay. Nội dung trao đổi được chia làm 02 chủ đề chính:

- Chủ đề 1: Chính sách và công cụ tài chính công với phát triển bền vững;

- Chủ đề 2: Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về phát triển bền vững.

Tại phiên làm việc thứ 1, hội thảo đã nghe TS. Nguyễn Hữu Đại tóm tắt các bài viết thuộc chủ đề “Chính sách và công cụ tài chính công với phát triển bền vững “. Các bài viết thuộc chủ đề 1 tập trung chủ yếu vào các vấn đề lớn gồm: Quản lý nợ công, chính sách tài khóa, chính sách thuế, mua sắm công với phát triển bền vững. Hội thảo tập trung làm rõ các chính sách tài khoá nào có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ nợ công mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và những thách thức chính tại các quốc gí đang phát triển phải đối mặt khi huy động nguồn vốn xanh từ nước ngoài.

     TS. Nguyễn Hữu Đại đại diện nhóm tác giả trình bày về chủ đề 1

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Hội đồng trường nhận định Hội thảo đã tập hợp được nhiều bài viết chất lượng của các nhà khoa học, cho thấy sự tâm huyết và đầu tư tâm sức trong nghiên cứu của cán bộ, giảng viên trong Khoa.

      TS. Hà Thị Đoan Trang phát biểu tại Hội thảo

TS. Hà Thị Đoan Trang cho rằng chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững trên cả 3 giác độ kinh tế, xã hội và môi trường. Chính sách tài khóa tác động đến huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho tăng trưởng kinh tế bền vững, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất ít tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, những ngành ít khí thải. Thông qua chính sách thuế, phí của nhà nước đối với các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường hoặc các chất thải gây ô nhiễm môi trường sẽ khiến doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi cho môi trường. Đồng thời, thông qua đó đảm bảo việc làm và sức khỏe cho người dân khi môi trường được cải thiện.

TS. Đỗ Đình Thu nhận định phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững hiện nay đã và đang được các quốc gia trên thế giới coi trọng và biến thành hiện thực qua việc không ngừng đổi mới, hoàn thiện hệ thống các chính sách cho phát triển bền vững, đặc biệt hệ thống chính sách tài chính công và tập trung nguồn lực tài chính lớn đầu tư cho tăng trưởng xanh, cho phát triển bền vững.

     TS. Phạm Thị Hoàng Phương phát biểu tại Hội thảo

TS. Phạm Thị Hoàng Phương đánh giá khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng đóng góp vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh số hóa hiện nay. Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ cần lượng vốn lớn và sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó vai trò của Nhà nước ở vị trí dẫn dắt và định hướng. Vì vậy, việc nhà nước ưu tiên phân bổ cho lĩnh vực khoa học công nghệ thông qua chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như tạo ra đội ngũ cán bộ nghiên cứu chất lượng cao hết sức cần thiết để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Qua các ý kiến tham luận trong chủ đề 1 của đại biểu, hội thảo thống nhất cho rằng chính sách và công cụ tài chính công có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, chính sách và công cụ tài chính công ở Việt Nam vẫn còn những vấn đề hạn chế. Nhà nước cần đảm bảo khuôn khổ pháp lý đồng bộ để có ưu đãi, hỗ trợ phù hợp cho từng lĩnh vực cụ thể góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Tại phiên làm việc thứ 2, hội thảo đã nghe TS. Ngô Thị Thùy Quyên tóm tắt các bài viết thuộc chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về phát triển bền vững”. Các bài viết đề cập đa dạng các nội dung về tài chính công, quản lý tài chính công, chính sách tài chính và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như: Bảo tồn đa dạng sinh học; Tín chỉ các bon; Biến đổi khí hậu và bình đẳng giới; Năng lượng tái tạo; Sản xuất và tiêu dùng bền vững. Các bài viết tập trung phân tích các khía cạnh khác nhau trong các chính sách về tài chính nhằm hiện thực các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như các mục tiêu phát triển bền vững.

     TS. Ngô Thị Thùy Quyên đại diện nhóm tác giả trình bày về chủ đề 2

TS. Võ Thị Phương Lan nhận định ngân sách xanh là các khoản chi tiêu có tác động thuận lợi đến môi trường cho sự phát triển bền vững. Ngân sách xanh đo lường tác động môi trường của ngân sách nhà nước, bằng cách xác định các khoản chi tiêu ngân sách và thuế có lợi và không có lợi cho môi trường. Ngân sách xanh của Nhà nước là một công cụ thiết yếu của quá trình chuyển đổi sinh thái có tác động tích cực đến môi trường.   

     TS. Võ Thị Phương Lan phát biểu tại Hội thảo   

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt cho rằng bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường. Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu và sáng kiến về các cơ chế tài chính khác nhau nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học. PGS. Nguyệt đã giới thiệu về cơ sở lý thuyết hình thành cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học, khái quát kinh nghiệm quốc tế triển khai cơ chế này và đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp nhận về mặt thể chế, pháp luật của Việt Nam. Từ đó, PGS. Nguyệt đưa ra một số đề xuất nhằm chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học ở Việt Nam từ sau năm 2030.

     PGS.TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt phát biểu tại Hội thảo  

Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với tính chuyên môn cao và nhận được nhiều sự đóng góp, chia sẻ và thảo luận từ các quý vị đại biểu, thầy cô trong Khoa, đem đến những góc nhìn và đóng góp có giá trị trong việc làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực trạng về tài chính công với phát triển bền vững;.

Cùng nhìn lại một số hình ảnh đáng nhớ tại buổi hội thảo./.

 

 

Số lần đọc: 765
Tin phản hồi
Chuyên mục chính

Hoạt động qua ảnh
Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC0 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC1 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC2 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC3 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20150 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20151 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20152 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20153 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20154 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20155

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Thư viện ảnh  |  Video hoạt động  |  Liên hệ
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA TÀI CHÍNH CÔNG
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính: Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: Học viện Tài chính, đường Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: khoatcc1963@gmail.com | Website: http://www.hvtc.edu.vn/taichinhcong
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà