GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH (MS: 18)
Chuyên ngành Phân tích Chính sách Tài chính, Khoa Tài chính Công, thuộc Nhóm ngành Tài chính- Ngân hàng 1, Ngành Tài chính – Ngân hàng; Mã số: 18
Với bề dày gần 15 năm hình thành và phát triển, Chuyên ngành Phân tích chính sách tài chính đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các khóa sinh viên tiềm năng và trình độ cao, góp phần không nhỏ trong sự phát triển của Học viện Tài chính, ngành Tài chính…
Bao gồm 6 lớp chuyên ngành của các Khoá cùng đội ngũ giảng viên là có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp và hiện đại (trên 83% giảng viên có trình độ Tiến sĩ (trong đó 50% tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 01 Phó Giáo sư…). Giảng viên bộ môn có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn phân tích và đánh giá chính sách.
CÁC BẠN ĐƯỢC HỌC NHỮNG GÌ
Các môn học của chuyên ngành có sự ứng dụng đa dạng cho cả khu vực công và tư, cung cấp những kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, về phân tích chính sách và dữ liệu tài chính:
Trang bị kiến thức về quy trình chính sách từ hoạch định, thực thi, đánh giá và duy trì chính sách (bao gồm chính sách của khu vực công, chính sách của khu vực tư, đặc biệt là chính sách tài chính)
Trang bị những kỹ năng phân tích chính sách bằng các phương pháp cơ bản và phổ biến (phân tích định tính và phân tích định lượng); Giúp sinh viên biết cách phân tích, đánh giá tác động của chính sách tới các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ (là những chính sách vĩ mô quan trọng của quốc gia và có tác động rất lớn đến mọi hoạt động của các doanh nghiệp, định chế tài chính và toàn xã hội)
Trang bị kiến thức về phân tích dữ liệu tài chính, là môn học đã được giảng dạy từ lâu trong các trường đại học lớn trên thế giới, là một ngành đào tạo đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, không chỉ giúp cho người học phân tích tác động chính sách mà còn giúp cho người học ứng dụng các kỹ năng và kiến thức cần thiết để áp dụng vào phân tích, đánh giá, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô.
Ngoài ra, chuyên ngành còn trang bị kiến thức về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học tài chính ngân hàng nói riêng.
CƠ HỘI VÀ TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP
1. Với khu vực nhà nước
Ở cấp Trung ương, sinh viên có thể làm việc chuyên môn về thực thi và phân tích chính sách tại các Tổng cục, Vụ, Cục, Viện nghiên cứu thuôc các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Tài chính (Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương…cũng như các Bộ, Ngành khác.
Ở cấp địa phương sinh viên có thể làm việc tại các đơn vị như Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Sở Tài chính, Sở kế hoạch và đầu tư, các Sở, Ban, Ngành ở địa phương là những cơ quan hành chính nhà nước liên quan lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng. Sinh viên cũng có chuyên môn để có thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.
2. Với khu vực doanh nghiệp và các tổ chức ngoài nhà nước:
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm phân tích tài chính và thẩm định dự án, quản lý dự án, chuyên viên phân tích đầu tư, phân tích tài chính tại các bộ phận kế hoạch, tài chính, tư vấn, hoạch định chiến lược của các Tổng công ty, các công ty và các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp cũng có nhiều cơ hội làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, các công ty tư vấn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán…
3. Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, cũng như nhân viên của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực kinh tế tài chính.
Phân tích chính sách tài chính - Nơi gửi gắm thanh xuân tuyệt vời