Thứ bảy, 01/10/2022 - 15:21

TÀI CHÍNH VÀ KẾ TOÁN CÔNG VỚI PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ - HỘI THẢO KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN KHOA TÀI CHÍNH CÔNG NĂM 2022

Chiều ngày 29/9/2022, tại hội trường A1 Học viện Tài chính, khoa Tài chính công tổ chức Hội thảo khoa học năm 2022 với chủ đề “Tài chính và kế toán công với phát triển nền kinh tế số”.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của GS, TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó trưởng ban Quản lý khoa học cùng toàn thể giảng viên khoa Tài chính công.

Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Tiến Hanh – Phó trưởng khoa (PT) khoa Tài chính công, chủ trì hội thảo khẳng định vai trò của tài chính và kế toán công trước yêu cầu cấp thiết thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trên cơ sở 25 bài viết tham gia, được lựa chọn đăng trong kỷ yếu, ban chủ trì điều hành hội thảo theo 3 phiên, tương ứng với 3 chủ đề hội thảo:

  • Tài chính công với phát triển kinh tế số
  • Kế toán công với phát triển kinh tế số
  • Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về kinh tế số

Các bài viết thuộc chủ 1 tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề lớn gồm: làm rõ nội hàm đặc trưng của kinh tế số, quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động tài chính công và phân tích bốn nền tảng trụ cột của chuyển đổi số trong các hoạt động tài chính công.

Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra đối với quản lý tài chính công trong nền kinh tế số từ các khía cạnh tiếp cận theo hoạt động thu chi NSNN, chính sách tài chính, chính sách thuế và chi tiêu của Chính phủ. Từ đó đề xuất các giải pháp tài chính công trong phát triển kinh tế số.

Ý kiến trao đổi của TS. Phạm Thị Hoàng Phương được các đại biểu tham dự quan tâm liên quan đến chính sách thuế là việc chống thất thu thuế đối với hộ/cá nhân bán hàng online. TS. Phương chỉ ra một số nội dung chưa phù hợp trong quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC về hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như: chưa kiểm soát được việc kê khai và đóng thuế, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức là các sàn giao dịch thương mại điện tử, việc quy định ngưỡng doanh thu 100 triệu trở lên phải đóng thuế GTGT và thuế TNCN là chưa phù hợp…

TS. Nguyễn Thanh Giang phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng: hệ thống chính sách thuế và thu NSNN cần phải được điều chỉnh đảm bảo vừa thực hiện tốt các cam kết hội nhập về thuế, vừa bao quát các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong bối cảnh áp dụng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh.

Với nhận định cho rằng thuế và hải quan là 2 lĩnh vực đã và đang thực hiện rất tốt quá trình cải cách, ứng dụng tin học hóa và số hóa, hội thảo đã nghe TS. Phạm Thị Lan Anh và TS. Lê Thu Huyền đưa ra ý kiến và đề xuất giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế phù hợp với điều kiện kinh tế số.

Phát biểu tại hội thảo, khẳng định tài chính công của Việt Nam không thể là ngoại lệ trong quá trình chuyển đổi số, PGS, TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt đã trình bày một số hạn chế lớn trong thực trạng chuyển đổi số tại khu vực công Việt Nam hiện nay như: nguồn số liệu có trong chuyển đổi số bị trục lợi do không được chia sẻ thông tin, thiếu “nhạc trưởng chỉ huy” khiến thông tin không được tích hợp,… Từ đó, PGS cho rằng để có thể chuyển đổi số thành công và phát triển kinh tế số, khu vực công Việt Nam cần chú trọng tới 3 nội dung lớn, gồm: đổi mới tư duy theo hướng sẵn sàng đón nhận và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực thực hiện và đầu tư của ngân sách.

Qua các ý kiến tham luận trong chủ đề 1 của đại biểu, hội thảo thống nhất cho rằng kinh tế số, chuyển đổi số phải là một quá trình. Bên cạnh những cơ hội mà kinh tế số đem lại, thì thách thức đặt ra đối với quản lý tài chính công là không nhỏ. Thêm vào đó, yêu cầu về công khai, minh bạch và chia sẻ thông tin là rào cản lớn của quá trình chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số. Với cương vị quản lý Nhà nước, vấn đề vướng mắc nhất cần giải quyết là khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp, từ đó ràng buộc các bên phải thực thi; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế.

Tại phiên làm việc thứ 2, hội thảo đã nghe TS. Phạm Thu Huyền tóm tắt 7 bài viết thuộc chủ đề “Kế toán công với phát triển kinh tế số”. Với những cách tiếp cận và chủ đề khác nhau, song các tác giả của 7 bài viết thuộc chủ đề này thống nhất cho rằng “Kế toán là một trong các lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin”.

TS. Phạm Thu Huyền tóm tắt chủ đề 2: “Kế toán công với phát triển kinh tế số”

Qua các ý kiến trao đổi, làm rõ những tác động của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quy trình kế toán, từ thu thập, xử lý, cung cấp thông tin hội thảo tập trung phân tích cơ hội và thách thức đối với kế toán nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; cũng như những tác động của vấn đề này tới công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán công tại Học viện Tài chính.

TS. Lê Thanh Dung trình bày tham luận cơ hội và thách thức đối với kế toán nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Thanh Dung chỉ ra 4 thách thức cơ bản khi áp dụng công nghệ 4.0 trong triển khai công tác kế toán nhà nước gồm: 1. Yêu cầu về đầu tư trang bị một hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ phù hợp, 2. Xây dựng hệ thống quy trình kế toán phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả của thu thập thông tin kế toán cho các đối tượng bên trong và bên ngoài đơn vị kế toán nhà nước, 3. An toàn, bảo mật: cần có đầy đủ các quy định pháp lý, cũng như các biện pháp kỹ thuật , 4. Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động kế toán nhà nước.

Tham luận về quy trình hợp nhất BCTC Nhà nước của TS. Phạm Thu Huyền đã giúp hội thảo nhận diện rõ thách thức lớn đối với tài chính và kế toán công Việt Nam hiện nay. TS. Huyền cho rằng, bên cạnh yêu cầu về hạ tầng công nghệ, yêu cầu về đảm bảo tính nhất quán, đồng nhất trong quy định về quản lý tài chính và năng lực chuyên môn của nhân lực kế toán là điểm then chốt, bởi việc áp dụng công nghệ mới đòi hỏi người làm kế toán nhà nước phải có hiểu biết đầy đủ về công nghệ thông tin. Trong khi đó, công tác đào tạo tại các trường hiện nay đa phần mới chú trọng kiến thức nền, cơ bản theo ngành nghề chuyên môn về kế toán mà chưa chú trọng đúng mức đến những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trăn trở với vấn đề đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán công, các đại biểu tham dự hội thảo đến từ trong và ngoài bộ môn Kế toán công đều bày tỏ mong muốn, đề xuất xây dựng phòng thực hành ảo bên cạnh việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên số. GS, TS. Chúc Anh Tú đề xuất đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại phiên làm việc thứ 3 “Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề khác về kinh tế số”, sau khi nghe Ths. Phạm Thanh Hà tóm tắt 8 bài viết, hội thảo tiếp tục thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam; đồng thời khẳng định vai trò dẫn dắt của Chính phủ khi thành lập cơ quan chuyên trách để phát triển kinh tế số ở cả trung ương và địa phương từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.

Trong không khí hào hứng, sôi nổi, hội thảo đã nghe 16 ý kiến phát biểu của chủ đề 2 và chủ đề 3. Điều này thể hiện sức hút lớn của chủ đề hội thảo đối với các đại biểu tham dự.

Toàn cảnh thảo luận tại hội thảo

Sau gần 4h làm việc liên tục, hội thảo khoa học giáo viên niên khoa Tài chính công đã khép lại; đồng thời gợi mở các vấn đề nghiên cứu tiếp theo gắn với giảng dạy, chuyên môn nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội trong mỗi đại biểu tham dự hội thảo.

Số lần đọc: 15
Tin phản hồi
Chuyên mục chính

Hoạt động qua ảnh
Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC0 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC1 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC2 Trao Quyết định chuyển Đảng chính thức cho 02 đ/c Phạm Thu Huyền bộ môn Kế toán công và Phạm Thanh Hà bộ môn Quản lý TCC3 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20150 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20151 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20152 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20153 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20154 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.20155

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Thư viện ảnh  |  Video hoạt động  |  Liên hệ
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA TÀI CHÍNH CÔNG
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính: Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: Học viện Tài chính, đường Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: khoatcc1963@gmail.com | Website: http://www.hvtc.edu.vn/taichinhcong
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà